Kì vọng bản thân quá cao thất vọng càng lớn
Cách đây 5 năm mình đã rơi vào trạng thái burnout mặc dù mình đang ở vị trí thuận lợi trong sự nghiệp. Khi ấy bơi từ chiếc ao nhỏ ra một chiếc hồ lớn hơn, khối lượng công việc tăng gấp 6 lần, thay vì trước đó chỉ chăm sóc kênh FB và chiếc website nhỏ xíu của công ty thì khi qua công ty mới phải xử lý 12 kênh truyền thông bao gồm cả online và offline. Với một marketer nửa mùa, chẳng đi lên từ nền tảng kiến thức, đây là một cơ hội rất lớn, cũng là cái bẫy thật to.
Sau một vài tháng nỗ lực học tập những gì mình thiếu sót, đi sớm nhất, về trễ nhất, mình chính thức burnout - đến mức mấy bạn làm cùng hỏi nhau: sao hồi trước thấy chị Giao năng lượng từ sáng tới chiều, lăn xăn không ngớt việc mà giờ nhìn đơ đơ, không giống chị ấy nữa. Mình nhận ra tình trạng đáng xấu hổ hơn nữa khi mình liên tục bùng nổ những lời sát thương với gia đình, chỉ vì mình mệt, không muốn trả lời, đụng chuyện là bù lu bù loa, việc nhà không quan tâm tới nhưng đến công ty thì gắng gượng, nghe lời Sếp mắng thì cúi đầu nghe.
Đỉnh điểm là mình nhận ra dù có hàng trăm công việc phải xử lý, dù có đội nhóm hỗ trợ việc, nhưng mình không thể làm tốt bất kì việc gì, không sáng tạo, không điều phối, không linh hoạt xử lý vấn đề phát sinh cũng không tầm nhìn gì nữa hết, trước mắt nó rối tù mù. Sếp càng động viên dạy dỗ, mình càng không phản ứng, sợ đến mức mute tin nhắn của Sếp khi tan làm. Mình chính thức xin nghỉ việc vì cảm thấy bản thân quá vô dụng, chỉ cản trở trái đất quay.
Giờ đây khi trải qua nhiều công việc hơn, học tập tốt hơn, mình nhận thấy bản thân lúc đó đã làm sai 3 việc:
Thiếu năng lực thể chất Không thể có một cái đầu minh mẫn trong một cơ thể yếu đuối được. Đó giờ mình khá tự hào năng lực trí não khá tốt, khá minh mẫn, nhưng chỉ khi rơi vào vòng xoáy công việc, khi thể lực bị bào mòn mới thấy sức bền là yếu tốt rất quan trọng, quyết định bạn có thể đi được bao xa với một công việc áp lực cao.
Thiếu nhận thức năng lực cá nhân so với vai trò nhận lãnh Thời điểm đó Giao đã tạo một thành tích nhỏ với công ty cũ, khai phá một thị trường ngách với chi phí MKT cực nhỏ và mang về trạng thái “siêu lợi nhuận”. Và khi “chú ếch” chuẩn bị bơi ra khỏi cái giếng của mình đã tưởng rằng mình có khả năng một tay che trời, và bị đạp bẹp dí bởi những công việc tính chất mới lạ, với kiến thức mình chưa từng có, mình được dạy lại từ đầu. Mình cực kỳ mang ơn người Sếp lúc đó, nếu anh không dám giao trách nhiệm cho mình, mình mãi chỉ là con ếch trong chiếc giếng nhỏ kia. Và mình rất xin lỗi đã làm anh thất vọng vì năng lực mình chưa đủ.
Thiếu kĩ năng quản lý stress Có lẽ đây là kĩ năng quan trọng nhất khi chúng ta bước vào giai đoạn mưu sinh và dù được cảnh báo thế giới khắc nghiệt, ít ai hiểu “quản lý stress” là phải làm gì.
Khi nhìn lại câu chuyện cũ, giờ mình mới gọi tên được trạng thái tâm lý của mình lúc đó, và hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về trạng thái tâm lý của mình (hoặc người thân), kịp thời hỗ trợ nhau bước qua giai đoạn BURNOUT - kiệt quệ thể chất và tinh thần.
Hãy thành thật trả lời bản thân có bao giờ bạn rơi vào trạng thái có rất nhiều việc đang đợi bạn làm nhưng bạn lại chẳng muốn làm gì hết, kể cả sáng ngủ dậy không muốn nhấc người ra khỏi giường, cảm thấy cuộc sống cuốn mình theo vì phải như thế chứ không có chút hứng thú nào. Vậy chúng ta cùng hiểu xem
Burnout là trạng thái gì?
Cách hiểu đơn giản và phổ biến nhất của Burnout thì đây là “trạng thái kiệt sức (exhausted) của tinh thần và thể chất” khi chịu áp lực liên tục trong một thời gian dài. Ngày nay, burnout phổ biến hơn cả stress là một tiếng chuông báo động về sức khỏe tinh thần của người đi làm.
Burnout và Stress có khác nhau không? Burnout là hệ quả khi bạn bị căng thẳng (stress) kéo dài liên tục và không quan tâm điều trị đúng cách. Có thể tưởng tượng burnout và stress giống như bạn thổi một quả bong bóng, hơi bạn thổi vào ban đầu là động lực, sau đó là căng thẳng (stress) - thổi hoài thổi mãi tới một lúc quả bóng nổ (burnout) - một quả bóng to tròn xinh đẹp trở thành một mảnh vụn, không còn chút tác dụng gì.
Bạn có thể so sánh xem mình đang ở trạng thái căng thẳng hay burnout dựa vào cách trả lời 5 câu hỏi sau đây:
Bạn đang [1] cố gắng kiểm soát hay [2] buông bỏ mọi việc
Bạn đang [1] phản ứng quá mức trong giao tiếp hay [2] từ chối giao tiếp
Bạn đang [1] cảm thấy gấp gáp, việc gì cũng cần làm hay [2] cảm thấy bất lực, không muốn làm gì?
Bạn đang [1] cảm thấy mất năng lượng hay [2] cảm thấy mất động lực sống?
Bạn đang [1] lo lắng hay [2] chán nản?
Nếu kết quả
Toàn bộ là 1 thì bạn chỉ đang căng thẳng
1 nhiều hơn 2 thì bạn đang quá sức nhưng vẫn có thể kiếm soát được cảm xúc
2 nhiều hơn 1 thì bạn đang dần kiệt sức, mất kiểm soát động lực sống
Toàn bộ là 2 thì bạn thật sự đang trong trạng thái burnout
Các triệu chứng Burnout bạn cần để ý là gì?
Tham khảo từ Psychologytoday, đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn bị burnout
Thiếu vắng động lực sống, cuộc sống mất ý nghĩa
Thể chất mệt mỏi, đau đầu, bao tử… và tinh thần suy sụp, bỏ bê nhu cầu cá nhân
Mất kiên nhẫn với mọi việc, dễ xúc động
Mất động lực làm việc, không thích cam kết
Hiệu suất làm việc suy giảm
Giảm miễn dịch, dễ bệnh vặt
Không thỏa mãn, không còn cảm xúc với những gì trước đó mình hứng thú
Cảm thấy những nỗ lực không được đánh giá cao
Né tránh công việc, né tránh giao tiếp công sở và bạn bè
Cảm thấy vô vọng và vô dụng
Thiếu ngủ nhưng cũng không muốn thức dậy
Suy nghĩ rối mù, tập trung vào vấn đề
Hệ quả cuối cùng của Burnout chính là trầm cảm.
12 giai đoạn của tiến trình burnout bạn cần biết
Burnout không lập tức xuất hiện mà là một quá trình âm ỉ kéo dài mà bạn khó nhận ra. Theo bài viết của Vietcetera, hai nhà tâm lý học là Herbert Freudenberge và Gail North đã có 1 phát biểu về 12 giai đoạn của sự xuất hiện “burnout”, nghiên cứu này rất có ích trong việc tự nhận thức và tìm cách giải thoát mình sớm khỏi tiến trình “burnout”.
Tham vọng nhiều hơn trước Kì vọng thành tựu cao hơn thực tế chính là tiền đề tạo nên chuỗi căng thẳng, nếu bạn không chuẩn bị đủ năng lực, tiềm lực và yếu tố thời gian phù hợp để đạt mục tiêu thì bạn đang đẩy mình vào kiệt sức.
Làm việc nhiều hơn trước Vì mục tiêu thành tựu đó bạn ép bản thân làm gấp nhiều lần khối lượng công việc mà có thể thể chất và trí lực bạn chưa đáp ứng nổi.
Bắt đầu thờ ơ với các nhu cầu bản thân Bạn dần cắt bớt các nhu cầu tâm sinh lý của bản thân, tập trung thời gian vào công việc tạo thành mục tiêu. Nếu các nhu cầu tâm sinh lý tối thiểu không được thỏa mãn tối thiểu bạn sẽ đưa cơ thể vào trạng thái mệt mỏi.
Những mâu thuẫn trong tâm trí xuất hiện Sợ hãi, bồn chồn, lo lắng là dấu hiệu của stress khi bạn không đạt được mục tiêu như đã đề ra và ép bản thân đối mặt tìm giải pháp. Giai đoạn nào dễ rơi vào vòng lẩn quẩn nếu như bản thân không tự nhận thức và bồi đắp thêm tiềm lực hoặc tìm sự trợ giúp từ bên ngoài.
Bỏ quên các giá trị sống khác Chỉ tập trung vào công việc, không quan tâm gia đình, bạn bè, các kết nối khác trong Bánh Xe Cuộc Đời. Hãy bình tĩnh đánh giá lại các khía cạnh cuộc sống của mình để kịp thời cân bằng, cũng như gia hạn lại thời gian đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Tìm cách đổ lỗi những vấn đề của bản thân Nếu chuỗi kì vọng trở thành chuỗi thành công sẽ không có gì đáng nói, nhưng nếu nó biến thành chuỗi thất bại dù mình đã cố gắng hết sức thì trí não sẽ tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh, từ đó tạo nên xung đột trong cuộc sống, càng kéo bản thân đi xa trạng thái “well-being”.
Hạn chế các tiếp xúc xã hội Sự đổ lỗi kéo đến xung đột trong giao tiếp và hệ quả là lảng tránh và hạn chế các tiếp xúc xã hội, đóng mình lại tự đi tìm giải pháp, cho rằng không ai có khả năng giải quyết vấn đề của mình.
Thay đổi tính cách, ứng xử, thậm chí là phong cách sống Bạn trở thành một phiên bản “kì lạ” đến mức tiêu cực mà ai cũng có thể nhận ra. Bạn từ người vui vẻ cởi mở trở thành ù lì trầm tính. Bạn từ người sẵn sàng chia sẻ trở nên ích kỷ, chẳng quan tâm ai…Rất nhiều phiên bản “tệ hại” của bạn sẽ xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày.
Không còn cảm nhận được giá trị của bản thân Đánh giá thấp bản thân và cả những người xung quanh, thấy rằng cuộc sống không có tí giá trị sáng sủa nào. Xô đổ hết tất cả những giá trị, thành quả mà mình đã gây dựng bao lâu nay.
Cảm thấy trống rỗng Đẩy mọi hành động đến trạng thái “thái quá” - ăn quá mức, chơi quá mức, ngủ quá mức, uống rượu, hút thuốc vô tội vạ - vì ở trạng thái “vô độ” như vậy mới cảm thấy bản thân được lắp đầy và thỏa mãn tí chút, và nhanh chóng mất đi và lặp lại quá trình tiêu thụ này ở mức độ cao hơn.
Buồn phiền, mệt mỏi, thất vọng, kiệt sức Mỗi sáng thức dậy là một thử thách, rất buồn phiền về những việc cỏn con xảy ra trong ngày, không muốn nhất mình ra khỏi giường, sofa, điện thoại. Các bộ phận cơ thể rệu rã và báo động các loại bệnh tật khác nhau đặc biệt là về dạ dày, gan, não, mắt…Không còn tin mình có giá trị gì, cũng không tin mình có thể làm tốt việc gì, kể cả có nhận những lời khen cũng không còn tin tưởng.
Burnout - “cháy sạch” năng lượng sống Cuộc sống vô vọng, tư duy rối mù, không thể giải quyết những vấn đề công việc trước đó đã gặp phải, rơi vào một màn sương giả định. Lúc này rất cận kề với trầm cảm, vấn đề sức khỏe thể chất đáng báo động.
Bạn đang ở giai đoạn thứ mấy của quá trình “burnout”?
Đã có rất nhiều nghiên cứu về các phương pháp quản lý stress cũng như khắc phục burnout được các nhà tâm lý học đưa ra và áp dụng trong điều trị. Môi trường làm việc phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng nhất, bạn có thể tham khảo tại đây để lựa chọn môi trường phù hợp đối với phong cách đường đời của mình, vừa giúp chữa lành, vừa giúp kích hoạt nội lực cá nhân.
Để tìm hiểu các phương pháp hỗ trợ giải thoát mình khỏi quá trình burnout này, mời bạn xem ở bài viết sau.
Bạn đã trải qua giai đoạn "burnout" như thế nào? Bạn đã tìm lại chính mình bằng cách nào, có thể chia sẻ với Giao không?